Lịch sử Mỏ muối Wieliczka

Mỏ muối đạt đến độ sâu 327 mét, với tổng chiều dài của các đường ngang và khoang trong lên tới 287 km (178 dặm). Muối đá tự nhiên có các sắc thái khác nhau của màu xám, giống như đá granit chưa được đánh bóng hơn là màu trắng tinh thể. Từ thế kỷ 13, nước muối cô đặc nổi lên trên bề mặt và người ta đã thu thập và xử lý cho ra hàm lượng natri clorua (muối ăn) để sử dụng. Trong thời kỳ này, các giếng mỏ đầu tiên đã được đào để chiết xuất muối ăn từ đá muối.[4] Cuối thế kỷ 13 cho đến đầu thế kỷ 14, một lâu đài xưởng muối được xây dựng.[5]

Trong nhiều thế kỷ, địa điểm nổi tiếng và khó đến này đã được nhiều du khách đến thăm, trong đó có Nicolaus Copernicus, Johann Wolfgang von Goethe, Alexander von Humboldt, Dmitri Ivanovich Mendeleev, Bolesław Prus, Ignacy Paderewski, Robert Baden-Powell, Jacob Bronowski (người đã quay những đoạn trong bộ phim The Ascent of Man trong mỏ muối), Karol Wojtyła (sau là Giáo hoàng John Paul II), cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, nhiều nhân vật hoàng gia và vô số thường dân.

Trong thời kỳ Thế chiến thứ hai, mỏ muối được quân Đức chiếm đóng sử dụng để chứa các nhà máy sản xuất vật dụng phục vụ chiến tranh.

Mỏ muối cổ xưa mang dáng dấp mê cung này đã tạo cảm hứng để dựng lại các cảnh mê cung trong tiểu thuyết lịch sử Faraon, phát hành năm 1895 của Bolesław Prus.

Năm 1978 mỏ muối Wieliczka được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Mỏ muối cùng với các nhà thờ, hồ và các lối đi tạo thành một "thành phố ngầm".